phóng chiếu một ý nghĩ: Triển lãm cá nhân của Ngô Đình Bảo Châu, curate bởi Thái Hà

9 August - 10 September 2025
Overview

Trong lần hợp tác đầu tiên và đặc biệt quan trọng, Galerie Quynh và Gallery Medium hân hạnh giới thiệu phóng chiếu một ý nghĩ—triển lãm cá nhân đầy tham vọng của Ngô Đình Bảo Châu, do Thái Hà curate. Trưng bày loạt tác phẩm mới, bao gồm điêu khắc, tranh sơn dầu, sắp đặt video và sắp đặt vải và xơ sợi tự nhiên tại không gian rộng lớn của TĐX Ice Factory, triển lãm đặt ra những suy tư về cách thế giới bao la được phản chiếu qua cơ thể, và đồng thời, cách cơ thể tự phóng chiếu chính nó vào thế giới xung quanh. Nối dài những suy nghiệm trong triển lãm cá nhân trông thật khác, nhìn thực giống vào năm 2020, phóng chiếu một ý nghĩ lần này tái hình dung ngôi nhà như một cơ thể sống, biết hít vào và thở ra ánh sáng—một ngôi nhà được xây dựng dựa trên kiến trúc của các giác quan.

 

Mọi thứ rơi xuống, lửa thì bay lên. Như một lời hứa hẹn (hoặc cảnh báo) hơn là tên gọi của một tác phẩm, căn bếp Frankfurt¹ được Bảo Châu tái tạo theo đúng tỉ lệ thực trong triển lãm cá nhân năm 2020, nay trở thành một phần của tác phẩm một cuộc đốt. Trong tác phẩm video mở đầu cho phóng chiếu một ý nghĩ, ngọn lửa từ tốn gặm nhấm từng tấm bìa cạc tông, rồi bất ngờ bùng lên dữ dội; căn bếp sụp đổ, chỉ để lại lớp tro nóng hổi làm tàn tích của tồn tại. Lửa cháy như một nghi lễ hóa vàng, đánh dấu bước chuyển biến trong phương pháp sáng tạo của Ngô Đình Bảo Châu: cô vẫn duy trì mối quan tâm với việc chắp ghép hình ảnh từ đa dạng các nguồn tham chiếu, tuy nhiên lần này, không còn thông qua cái nhìn sắc bén của phân tích lý trí. Thay vào đó, cô cho phép bản thân ngắm nhìn, lơ đễnh, mơ màng, hòng vượt qua bề mặt của hình ảnh để phóng mắt vào cõi vô cùng²

 

Từ những mạt vụn vương vãi của gian bếp, Bảo Châu tái thiết ngoại giới, để dựng nên một nội giới của riêng mình: từ tro bụi nảy sinh một thiên hà những hành tinh xoay vần, như bầy côn trùng rộn ràng cả bầu trời đêm. Trong tàn lụi hóa lấp lánh, neo đậu trên nền đất nứt nẻ là các luồng sáng luân chuyển. Tại đây, cơ thể—trụ sở của tất cả giác quan tương tác với thế giới bên ngoài—dần thành hình trong cách Bảo Châu vận dụng vật liệu. Vay mượn hình ảnh cơ thể vũ trụ luận từ mỹ học Phục Hưng, nghệ sĩ tận dụng mối tương quan giữa thị giác với ánh sáng và lửa, thính giác với không khí, khứu giác với hơi ẩm, vị giác với nước, xúc giác với mặt đất.

 

Đề xuất ý niệm cơ thể là một tồn tại không thể tách rời khỏi thế giới cũng như cách cơ thể chính là thế giới, trong tác phẩm thể lặng của chốn vô cùng, Bảo Châu tự do buông rủ những mành vải như lớp da mỏng phủ lấp phần không gian khoáng đạt của nhà máy nước đá. Trên bề mặt lụa, những xơ sợi tự nhiên được chế tác từ tre, thân bắp, lục bình, mía, chuối, rơm kết thành hình hài của tế bào, rồi tụ họp thành các cơ quan nội tạng trừu tượng. Những lớp màn da thấm đẫm ánh sáng cho thấy sự thẩm thấu của cõi giác quan và cách chúng tạo ra những rung cảm hữu hình tác động lên từng tế bào, mạch máu, thớ cơ và cả nội tạng. Thân xác hít vào khí trời để lấp đầy lá phổi; nó cũng hít vào ánh sáng để nhả ra cái bóng của mình.

 

Xuyên qua bóng tối để bước vào ánh sáng, một nhịp thở khẽ buông, những tế bào bừng nở thành cỏ cây và mưa nắng. Bảo Châu kéo giãn chiều sâu và làm phồng thời gian thực tại trong loạt tranh sơn dầu, phác họa mảnh vỡ từ các khung cảnh siêu thực. Không gian hyperbol³ của Bảo Châu lấy trọng tâm là cơ thể, từ đó mọi điểm nhìn đều biến thái khôn lường, vặn mình theo thế đứng của người quan sát và nhịp điệu của những cuộc gặp gỡ. Dừng chân ngay giữa ánh nhìn, tác phẩm điêu khắc tối giản này là một chiêm nghiệm về thời gian sống, một thứ thời gian khác hẳn với thời gian trừu tượng được hiệu chỉnh bằng kim đồng hồ. Sự luân phiên đến–ngồi–đi của người xem tạo nên nhịp sống cho tác phẩm—nó định nhịp thời gian theo cách nó nghiệm trải thời gian: bất khả định lượng và vô tận chuyển hóa.

 

Mang theo rung động cuối cùng của triển lãm, tất cả đồng tử đồng loạt nhấp nháy, hắt ánh sáng ra tận ngưỡng cửa. Ngay khi người xem rời bước, suối nguồn khẽ in lên thân thể họ những ánh mắt–ánh sáng. Trong triển lãm phóng chiếu một ý nghĩ, các tác phẩm cho thấy rằng “cơ thể và [tác phẩm] không còn hoạt động như những đơn vị rời rạc, mà là những bề mặt tiếp xúc, cùng tham gia vào một hoạt động bất tận của sự tái hiệu chỉnh và biến đổi lẫn nhau”. Trong một triển lãm hoàn toàn xóa nhòa ranh giới giữa ngoại giới và nội giới, cơ thể không còn hiện lên như một vật chứa, mà là một tổ hợp lắp ghép: tro tàn, đất đai, xơ sợi tự nhiên cùng xác thân con người kiến tạo nên một hệ sinh thái lai tạo—luôn biến đổi, luôn mắc nối với mọi tương liên.

 

 


 

¹  Tác phẩm được thực hiện với sự cộng tác từ nghệ sĩ Nguyễn Đức Đạt và kiến trúc sư Laurent Serpe.

² Juhani Pallasmaa, “The Significance of the Shadow”, trong The Eyes of the Skin (UK: Wiley-Academy, 2005), trang 46–49.

³  Không gian hyperbol (không gian cong) là mô hình nhận thức không gian theo lối hiện tượng học, trong đó độ sâu và các quan hệ hình tuyến được cảm nhận như những đường cong co dãn trong sự phản hồi với với vị trí của cơ thể con người.

Vivian Sobchack, “Breadcrumbs in the Forest”, trong Carnal Thoughts: Embodiment and Moving Image Culture (CA: University of California Press, 2004), trang 17.

⁴  Elena del Río, “The Body as Foundation of the Screen: Allegories of Technology Atom Egoyan’s Speaking Parts", Camera Obscura 13, số 2 (1996): trang 101.