Songs of Singularity: Trọng Gia Nguyễn

15 April - 3 June 2023
Overview

Galerie Quynh hân hạnh giới thiệu Songs of Singularity  triển lãm những tác phẩm mới của nghệ sĩ Trọng Gia Nguyễn, hiện đang hoạt động tại Bỉ. Trong triển lãm lần thứ ba này tại phòng tranh, Trọng sẽ trưng bày bốn trích đoạn riêng biệt nhưng chặt chẽ, làm tiền đề cho những ý niệm về bảo tồn, tiếp cận, tái tạo và thẩm quyền về tác phẩm nghệ thuật.


Từ một truy vấn triết học lâu đời "Nếu một cái cây ngã xuống mà không được ai nghe thấy, liệu nó có phát ra âm thanh không?", triển lãm này chuyển dịch sang câu hỏi "Nếu tất cả vật chứng về sự có mặt của một con người biến mất, liệu họ có thật sự tồn tại?", hay, như chính nghệ sĩ đã chia sẻ, "Mối liên hệ với quá khứ trở nên thật mong manh khi không có vật thể nào khác ngoài bản thân ta trải qua chính quá khứ đó."


Vào năm 2021, một trận lụt ở New York đã phá hủy phần lớn các tác phẩm nghệ thuật và kho lưu trữ cá nhân của nghệ sĩ. Songs of Singularity khởi nguồn từ bình địa mất mát này, chất vấn hiểu biết cá nhân của Trọng về cách ta "tạo ra mọi thứ" trong nỗ lực để gìn giữ những lưu trữ của riêng mình. Thay vì cố gắng thu hẹp, người nghệ sĩ lại chọn mở rộng khoảng cách này, chọn xóa bỏ lịch sử thay vì phục hồi nó.

 

Người xem bước vào triển lãm qua một bộ khung bao bọc lấy những ô cửa sổ bằng sắt, thoát ly khỏi cấu trúc hình học truyền thống, chuyển thành những vết nứt vụn nát trên màn hình điện thoại. Cửa sổ trong suốt giờ đây là một tấm gương đen của sự tồn tại trung gian mà qua đó, ta hé nhìn, liếc trộm, và nhượng bộ cho những bản ngã của bản thân trong khi phục tùng cho Ma trận.


Ở tầng lửng, tĩnh lặng hơn, là bản sao của một đảo bếp bằng gỗ. Một trong những cạnh dài của nó được che chắn bởi một tấm gương xuyên thấu vô cực, phản chiếu họa tiết của gạch xi-măng từ bên trong đảo bếp. Ảo đảo dùng sự đơn giản để kích hoạt cảm tưởng về quyền thế, nơi một ô gạch hay một mẫu họa tiết có thể liên tục tự nhân bản để trở thành tượng đài của chính nó. Quan trọng là, quá trình chuyển hóa trên đã được biến đổi qua việc trộn lẫn bột đá năng lượng cùng với chất màu khác nhau. Các loại đá được chọn theo phổ màu của gạch và đặc tính chữa lành của chúng: đá Khổng Tước dùng để bảo vệ khỏi nguy hiểm và chống lại bệnh tật, đá Carnelian phục hồi sức sống và động lực, đồng thời kích thích sự sáng tạo và dũng cảm; đá Mặt Trăng gắn liền với đam mê, sự cân bằng, và may mắn; cuối cùng, đá Mắt Hổ được dùng để trấn yểm và loại bỏ sự tiêu cực. Bằng việc điều chỉnh/định giá và khuếch đại không gian gia đình, Trọng nhìn vào cách các mô đun sản sinh ra sự hoành tráng ở những không gian bị cho là yếu thế.

 

Để tạo thành loạt tác phẩm Perpetual Paintings, nghệ sĩ đã dẫn nguồn các kết xuất đồ hoạ từ kho đồ hoạ ba chiều trực tuyến của Google - 3D Warehouse. Trọng tập hợp những cách sắp xếp tĩnh vật mới, hay nature morte - có thể hiểu là "thiên nhiên đã chết" trong tiếng Pháp. Những đồ vật từng được xem như hiển nhiên giờ đây hiện lên vừa thân thuộc vừa xa cách, tách biệt, và không giới hạn về không gian hay chất liệu. Trong quá trình biến mất này, dấu ấn của nghệ sĩ có thể tan biến bất cứ lúc nào. Những tấm ảnh chụp màn hình từ điểm nhìn có sẵn được chuyển đến một xưởng vẽ địa phương để họa lại thành tranh, thậm chí quá trình này còn được đẩy xa hơn nữa khi tên của Trọng được ký bằng bàn tay người khác. Những "phản tác phẩm" bất kính này tăng tốc đến một "nhất thể riêng tư". Người ta có thể nhìn thấy dấu vết và đoán định mơ hồ về quá khứ của Trọng, như chiếc xe Renault Dauphine của bố anh khi chở 14 thành viên gia đình chen chúc trong ngày thống nhất, chạy đua với thời gian. Khi các công ty như Open AI có thể khiến việc sản xuất hình ảnh và văn bản trở nên dễ dàng hơn, và các nghệ sĩ khác thì sẽ tiếp tục phản hồi lại bằng việc tạo ra thêm nhiều "tác phẩm" nữa, Trọng neo mình nơi sự hữu hình của anh bị xóa bỏ dần. Dẫu vậy, các bức tranh tĩnh vật này lại dường như trở nên sống động hơn hẳn trên nền tảng số.

 

Mặc dù các nghệ sĩ nổi tiếng thường "rảnh tay" hơn khi làm việc với các trợ lý  những người tạo ra sức lao động và sản phẩm thực tế, phương cách sáng tác của Trọng nổi bật hơn hẳn ở việc anh xem những bức tranh này như ảnh chụp, hoặc thậm chí là một bản sao NFT. Định nghĩa về "sự khan hiếm" lúc này được soi xét kỹ lưỡng. Mỗi tệp gốc kỹ thuật số của từng tranh tĩnh vật lại một lần nữa được tải lên kho đồ hoạ công cộng 3D Warehouse, nơi ai cũng có thể xem tranh từ nhiều góc nhìn khác nhau với độ phân giải tốt nhất. Như vậy, Trọng, hay bất kỳ ai khác, đều có thể dễ dàng dẫn nguồn hoặc tải xuống một bức tranh giống nhau vô số lần, như đối với một bức ảnh mà, nếu muốn, có thể biến thể vô hạn.

 

Trong không gian triển lãm cuối, hướng tới sự uy nghi, tác phẩm sắp đặt các hoành phi câu đối của Trọng như dần tan biến vào lãnh địa phi vật chất thơ mộng hơn. Thường được sử dụng trong chùa chiền, trên bàn thờ, và không gian ngoại thất, những câu đối chạm trổ trên tấm gỗ thuộc một thể loại văn học viết bằng chữ Nôm của Việt Nam: hai câu với các vế đối nghịch nhau được đặt song song, thể hiện tâm tư của tác giả đối với một vài sự kiện hoặc hoạt động trong đời sống. Trọng mạn phép phá vỡ niêm luật của câu đối và sáng tác một số cụm câu khác thường, mang tính khơi gợi mà đã trải qua vô số quá trình dịch thuật thành chữ Nôm  ngôn ngữ tượng hình cổ truyền của tiếng Việt ít được ưa chuộng trong nhiều thế kỷ chuyển dịch của các thời đại. Ngày nay, có rất ít học giả có thể đọc hiểu được ngôn ngữ này. Thay vì chữ cái mạ vàng, các đôi câu đối của Trọng được sơn trùng màu với những bức tường phía sau, cũng là nơi dòng chữ thứ ba bằng tiếng Anh cư ngụ.


Tất cả tác phẩm đều hướng ánh nhìn, không phải đến tính hiển nhiên của cái chết, mà tới sự biến mất. Có ý kiến cho rằng chỉ cần dùng một cuốn thần chú chuẩn, những gì bị mất ắt sẽ được tìm thấy. Ví dụ như, bộ tác phẩm câu đối trong triển lãm đại diện cho một ngôn ngữ mà thực tế đã bị thất truyền trong nền văn hóa và học thuật của Việt Nam đương đại. Những từ ngữ này vẫn tồn tại kiên cường, ngay cả khi nó là một bản dịch khó hiểu về Shakespeare bằng tiếng Anh cổ hay tiếng Việt đương đại. Dòng chữ sơn tay trên những bức tường bắt cầu các tấm câu đối như những cú vung đũa thần, triệu hồi người sống bất chấp cái chết của họ. Đối với người nghệ sĩ, chúng không hơn gì những câu thơ thuần túy, của những ngòi bút luôn muốn khẳng định "Tôi ở đây" và "Tôi còn mãi". Tôi là cán cân công lý của chính mình, và tôi chơi đùa với điều đó.

Installation Views
Works