Mutiny in the Garden: Liên Trương

18 October - 29 November 2018
Overview

Galerie Quynh hân hạnh giới thiệu triển lãm Mutiny in the Garden  triển lãm cá nhân lần thứ 3 của Liên Trương tại phòng tranh, với những tác phẩm hội hoạ mới nhất của cô. Sinh ra tại Việt Nam và làm việc tại Bắc Carolina, Mỹ, Liên Trương sử dụng một sự đan xen độc đáo giữa những thủ pháp đa dạng trong quá trình khám phá và chất vấn của cô về những tương quan quyền lực trong văn hoá thông qua các hình thức áp chế, đồng hoá, cũng như thái độ phản kháng xuyên suốt lịch sử.

 

Tựa đề của triển lãm xuất phát từ một bộ tranh gần đây của cô, được lấy cảm hứng từ tác phẩm The Course of Empire của danh hoạ Thomas Cole thuộc trường phái Hudson River. Tuy bản thân Cole mang thái độ phản kháng lại lý tưởng "Vận Mệnh Hiển Nhiên" của nước Mỹ trong một giai đoạn lịch sử được định nghĩa bằng sự diệt chủng và áp chế đối với những người Mỹ bản địa, những bức tranh phong cảnh hùng vĩ của trường phái Hudson River lại vô tình tiếp thêm vào sự khát khao mở rộng và xâm chiếm lãnh thổ miền Tây Mỹ  một bằng chứng đáng lo ngại cho việc nghệ thuật có thể bị lợi dụng một cách dễ dàng để phục vụ cho những lợi ích của đế quốc. Hiện tượng này xuất hiện một lần nữa trong lịch sử, khi những tác phẩm thuộc trường phái Trừu Tượng Biểu Hiện được cơ quan tình báo CIA sưu tầm và quảng bá để phục vụ cho mục đích tuyên truyền của họ trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

 

Được vay mượn từ những phong trào nghệ thuật nói trên với một thái độ phê phán, các tác phẩm trong Mutiny in the Garden sử dụng thủ pháp của Trừu Tượng Biểu Hiện, kết hợp với cảnh quan được vẽ theo phong cách của Cole, cũng như yếu tố biểu hình được lấy cảm hứng từ các bản in thời kỳ chiến tranh của Nhật  được nghệ sĩ vẽ lại trên lụa và gắn lên bức tranh. Hậu cảnh của những bức tranh được phân định bằng một mảng màu chuyển tiếp gồm hai màu, tạo ra một không gian kết hợp giữa yếu tố cận viễn của hội hoạ Châu Âu và yếu tố phẳng của hội hoạ Châu Á. Bên cạnh đó, những hoạ tiết sóng Á Đông gợi nhắc tới chủ nghĩa đế quốc và hiện tượng di cư, đan xen với các hoạ tiết trên vải được Liên Trương mô phỏng lại sau quá trình thu thập, chọn lựa và nghiên cứu kỹ lưỡng về mối tương quan giữa chúng và sự phân biệt chủng tộc hay sự đồng hoá trong lịch sử, cũng như những liên kết giữa chúng và những sự kiện đương đại được nhắc tới trong tác phẩm.

 

Những mảnh vải vụn từ lá cờ Liên Minh Miền Nam Hoa Kỳ xuất hiện trong tác phẩm Mutiny in the Garden, bên cạnh những hoạ tiết vải dệt của Pháp, Mỹ, Châu Phi, và khung cảnh đầm lầy The Great Dismal  từng là nơi trú ẩn cho những nô lệ trốn thoát trong giai đoạn Tiền-Nội Chiến tại Mỹ. Trong bức The Peril of Angel's Breath, những hoạ tiết Nhật Bản và Việt Nam được đan xen với hình ảnh trại tập trung Manzanar, nơi những người Mỹ gốc Nhật bị giam giữ trong Thế Chiến thứ Hai, nằm bên dưới một đám mây hình nấm đầy đe doạ. Những liên tưởng tới các tự sự mang tính phản kháng xuất hiện xuyên suốt bộ tác phẩm  như hình ảnh của Fred Koremasu, một nhà hoạt động xã hội đã liên tục chống đối lại sự hợp pháp của những trại tập trung dành cho người Nhật qua những vụ kiện tại toà án cấp cao nhất. Liên Trương đảo ngược lại vị thế của những góc nhìn quyền lực, lật ngược lại lý tưởng của Tranh Lịch Sử  sự đảo ngược này cũng được thể hiện qua việc sử dụng các sắc độ màu trong hậu cảnh của bức tranh: những màu tối xuất hiện bên trên đường chân trời, trong khi những màu sáng được đặt ở bên dưới, một trường hợp hiếm thấy trong những bức tranh phong cảnh châu Âu.

 

Đồng thời, triển lãm cũng trưng bày một bộ tác phẩm tiểu hoạ mang tựa đề Translatio Imperii, ám chỉ tới sự tiếp ngôi một cách nghiễm nhiên của các "ông hoàng". Chất vấn sự thống trị của nam giới da trắng trong lịch sử nghệ thuật hiện đại, Liên Trương sử dụng những nét vẽ giả-biểu hiện của Roy Lichtenstein, biến chúng thành những khe cửa che đậy một khung cảnh tưởng như bình yên, thôn dã, nhưng thực chất lại là hình ảnh của các vùng chiến sự được vẽ theo một phong cách tựa như của trường phái Hudson River, với những hố bom từ các chiến dịch không kích của Mỹ nằm rải rác phía trên.

 

Nằm trong một khung gỗ hoa mỹ màu đen, mỗi bức tranh được gắn một tấm thẻ đồng ghi lại địa điểm và thời gian chính xác của trận không kích. Một mảng đen phẳng từ khung hình bao phủ lấy bức tranh, che đậy gần như tất cả; chỉ "đường cọ" của người "nghệ sĩ" mới có thể xuyên qua tấm màn tối đó, để hé lộ những chứng tích của sự bạo tàn nằm phía sau. Minh chứng cho khái niệm "heterotopia" của Foucault ("vùng ngoại vi", ám chỉ tới một vùng nằm trong xã hội, ẩn giấu và chứa đựng một "sự khác thường" nằm ngoài phạm vi quy chuẩn), những tác phẩm của Liên Trương thiết lập một không gian mà ở trong đó, sự phản kháng, các thái cực đối nghịch và những chủ thể ngoại vi có thể tự do tồn tại. Nhận thức được những xung đột và đường đứt gãy thường xuất hiện trong xã hội hậu hiện đại của chúng ta, thực hành nghệ thuật của Lien Truong không ngừng lần theo và tạo dựng những định hướng cho sự giải thoát và cứu rỗi.

Installation Views
Works